Trang chủ »  Giới thiệu

Tiểu sử Thái Phiên

                                         

     

    1. Về thân thế gia đình

       Thái Phiên, hiệu Cô Đà, Nam Thạnh, Nam Xương, Hoàng Anh, là chí sĩ cách mạng lừng danh ở Quảng Nam và cả nước đầu thế kỷ XX. 

       Thái Phiên sinh năm Nhâm Ngọ (1882) tại làng Nghi An, tổng Phước Tường, huyện Hoà Vang, tỉnh Quảng Nam, nay là làng Nghi An, phường Hoà Phát, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng. Thái Phiên là con của ông Thái Văn Triết (tức Thái Duy Tân) và bà Lê Thị Tân.

    2. Hoạt động yêu nước và cách mạng

       Chịu ảnh hưởng của phong trào yêu nước Việt Nam thời cận đại, Thái Phiên sớm nuôi chí lớn, nhiệt tâm tham gia hoạt động chống thực dân Pháp. Ông thường thể hiện lòng yêu nước qua câu nói khẳng khái “Quốc sĩ ngô thân sĩ, Quốc nhục ngô thân nhục”.

       Từ năm 1901 - 1902, Thái Phiên làm việc tại Ty Công chính Đà Nẵng, sau đó chuyển sang làm cho nhà thầu Lơ Roy.

       Tháng 5 - 1904, Thái Phiên bí mật tham gia Duy tân hội, ông là một trong số 20 yếu nhân sớm có mặt trong tổ chức cách mạng này ở ngày đầu thành lập.

       Từ năm 1905 - 1908, Thái Phiên tích cực đảm nhận nhiệm vụ kinh tài cho phong trào Đông Du do cụ Phan Bội Châu khởi xướng.

       Tháng 3 - 1912, tại Quảng Đông (Trung Quốc), Phan Bội Châu cùng một số đồng chí quyết định thành lập Việt Nam Quang phục hội thay cho Duy tân hội, đề ra tôn chỉ của hội: “Đánh đuổi giặc Pháp, khôi phục nước Việt Nam, thành lập nước Cộng hoà Dân quốc Việt Nam”.

       Khi biết tin Việt Nam Quang phục hội thành lập tại Trung Quốc, ở Trung Kỳ, hầu hết những người tham gia phong trào Duy tân, phong trào chống thuế, hay “Học hội Quảng Nam” còn sống và thoát họa tù đày đều tập hợp xung quanh Thái Phiên cùng bàn kế cứu nước.

       Tại Trung kỳ, với các hoạt động tích cực của Thái Phiên, Lê Ngung và các đồng chí, tổ chức của Việt Nam Quang phục hội đã được xây dựng và phát triển mạnh ở các địa phương Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Thừa Thiên Huế…

       Tháng 3 - 1914, sau khi liên lạc với Bộ Tổng vụ của Việt Nam Quang phục hội, Thái Phiên và Lê Ngung đã tổ chức hội nghị các nhà yêu nước Trung Kỳ tại Đà Nẵng. Hội nghị thống nhất chủ trương phải tăng cường xây dựng và củng cố lực lượng, chờ thời cơ đến sẽ tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền 

       Tháng 9 - 1915, Thái Phiên đã triệu tập các nhà yêu nước về dự hội nghị lần thứ nhất của Việt Nam Quang phục hội Trung Kỳ tại Huế. Hội nghị quyết định tiếp tục việc củng cố và phát triển lực lượng ra các tỉnh, giao cho Thái Phiên và Trần Cao Vân mời vua Duy Tân tham gia khởi nghĩa.

       Đầu năm 1916, nhờ sự liên lạc của viên đội thị vệ Nguyễn Quang Siêu, hai nhà cách mạng Thái Phiên, Trần Cao Vân giả làm người đi câu cá vào hồ Hoà Bình hội kiến với vua Duy Tân.

       Tháng 2 - 1916, Thái Phiên và Trần Cao Vân triệu tập các nhà yêu nước về Huế. Hội nghị quyết định khởi nghĩa, định ra quốc hiệu, quốc kỳ, quân kỳ, quốc đô. Quốc hiệu là Việt Nam, thủ đô tương lai đặt tại Quy Nhơn. Hội nghị định ngày khởi nghĩa vào trung tuần tháng 5 năm 1916.

       Trong đêm 27 - 4 - 1916, một cuộc họp cuối cùng để quyết định những vấn đề quan trọng cho cuộc khởi nghĩa đã diễn ra tại nhà ông Đỗ Tự ở Miếu Bông và tiếp tục là cuộc họp suốt đêm của “Bộ Tham mưu khởi nghĩa” tại nhà Thái Phiên. Cuộc họp này đã phổ biến chiếu chỉ của nhà vua kêu gọi tổng khởi nghĩa vào đêm 3 rạng sáng 4 - 5 - 1916 (tức đêm 2 rạng ngày 3 tháng Tư Âm lịch). Chiếu chỉ này bổ nhiệm 4 nhân vật Trần Cao Vân, Thái Phiên, Lâm Nhĩ, Nguyễn Siêu vào vị trí lãnh đạo cuộc khởi nghĩa, nêu những điểm chính yếu về tổ chức một nhà nước mới, quyết định soạn thảo một bản tuyên ngôn gửi cho quốc dân khi cuộc tổng khởi nghĩa nổ ra.

       Từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5 - 1916, vua Duy Tân đã liên tiếp ra ba bức Chiếu kêu gọi khởi nghĩa. Công cuộc chuẩn bị khởi nghĩa đang được các tỉnh tiến hành rất khẩn trương thì bị bại lộ. Thực dân Pháp đã kịp thời có biện pháp đối phó ở các địa bàn quan trọng như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Huế.

       Chiều ngày 5 - 5 - 1916, Thái Phiên đi về Đà Nẵng, nhưng vừa đi đến Phú Lộc thì bị bắt. Vua Duy Tân và Trần Cao Vân cũng bị bắt vào buổi trưa ngày 6 - 5 - 1916 gần chùa Thiền Tôn, ngoại ô kinh thành Huế. Dưới sức ép của chính quyền Pháp, chính quyền Nam triều đã mở phiên toà xử án những nhà yêu nước Thái Phiên một cách gấp gáp. Lúc 4 giờ 30 phút chiều ngày 17 tháng 5 năm 1916, Thái Phiên, Trần Cao Vân, Tôn Thất Đề, Nguyễn Quang Siêu bị đem ra xử chém tại pháp trường An Hoà, phía Nam kinh thành Huế.

       Sau khi Thái Phiên, Trần Cao Vân bị xử chém, hài cốt hai nhà cách mạng bị vùi lấp tại chỗ thọ hình ở Cống Chém - An Hoà trong sự canh phòng cẩn mật của lính Nam triều. Đến tháng 6 năm 1925, bà Trương Thị Dương, người đồng chí cách mạng của hai chí sĩ đã bí mật di dời hài cốt hai ông về chôn chung trong một nấm mộ tại khu đồi Từ Hiếu, gần chùa Châu Lâm, ngoại ô kinh thành Huế.

    3.Vĩ thanh chí sĩ Thái Phiên qua trang sử dân tộc

       Ghi nhận những đóng góp của chí sĩ Thái Phiên, sau Cách mạng Tháng 8-1945, thành phố Đà Nẵng vào thời gian đầu được đặt tên là thành Thái Phiên. Chính quyền thành phố Đà Nẵng đã quyết định đặt tên một con đường mang tên Thái Phiên thuộc quận Hải Châu và một ngôi trường mang tên Thái Phiên tại quận Thanh Khê.